NGUỒN GỐC THUẬT NGỮ HÀNG HẢI: VĨ ĐỘ NGỰA
Thuyền trưởng Do Ngoc Hoai
ISM VIETNAM
Tháng 9 năm 2020
Vĩ độ ngựa
Vĩ độ ngựa hay đới áp cao cận nhiệt đới là các vĩ độ cận nhiệt đới nằm trong khoảng từ vĩ độ 25 tới vĩ độ 35 ở cả hai bán cầu. Khu vực này, nằm dưới một dải áp cao, gọi là dải áp cao cận nhiệt đới, là khu vực nhận được ít mưa và có các luồng gió hay thay đổi xen giữa những khoảng thời gian dài lặng gió. Nó nằm giữa đới gió tây (ở các vĩ độ từ 30 tới 60 của mỗi bán cầu, thổi cơ bản theo hướng từ tây sang đông về phía cực Trái Đất) và đới gió đông (hay gió mậu dịch, thổi cơ bản theo hướng từ đông sang tây tại vùng nhiệt đới gần xích đạo).
Người ta cho thuật ngữ “Vĩ độ ngựa” có nguồn gốc từ việc vận chuyển ngựa chủa các thương nhân Tây Ban Nha đến các thuộc địa Tây Ấn và Châu Mỹ. Khi đến các vùng biển này tầu buồm của họ gặp phải khó khăn do trời lặng gió, tầu di chuyển chậm hoặc không thể di chuyển làm cho chuyến đi kéo dài; Thêm vào đó là nước ngọt thiếu thốn nên làm cho ngựa chết nhiều và họ đành phải ném xác ngựa hoặc thậm chí cả những con đang chết khát xuống biển.
Một giả thuyết khác giải thích nguồn gốc của thuật ngữ này cho cả bắc và nam bán cầu hoàn toàn không liên quan đến việc chuyên chở ngựa hay thời gian hành trình của tầu, mà chỉ do cách nói của các thủy thủ thời đó: “tầu phi như ngựa” khi và thậm chí cả những lúc gió lặng nhưng tầu lọt vào dòng hải lưu chảy mạnh tại các vùng này.